TOP ĐẶC SẢN XỨ THANH ĐỐN TIM CÁC TÍN ĐỒ ẨM THỰC
- Nem chua Thanh Hóa – Đặc sản số 1 Xứ Thanh
Nem chua là đặc sản Thanh Hóa nức tiếng gần xa, không ai không biết đến. Đến xứ Thanh mà chưa ăn nem chua hay mua nem chua về làm quà thì có khác gì chưa đến.
Nem chua có nhiều loại, người ta dựa vào hình dạng và cách làm để chia thành nem dài, nem vuông, nem cối, nem thính, … Nguyên liệu chính để làm đặc sản nem chua Thanh Hóa là thịt lợn mông nạc, bì lợn, lá đinh lăng, lá ổi, thính và các loại gia vị như ớt, tỏi cắt lát.
Người ta gói nem bằng lá chuối, lót một lớp nylon mỏng ở trong. Vỏ càng dày thì thịt bên trong được ủ càng kỹ. Cỡ 2 đến 3 ngày là nem ăn được.
Thịt lợn ăn dai dai, chua chua kèm với thính cực thơm. Người địa phương thường ăn kèm nem với tương ớt hay mắm tỏi.
Đặc sản nem chua Thanh Hóa bán rất nhiều tại hàng quán trong thành phố, nhưng đã là dân sành ăn thì không thể không biết đến quán Nem Cây Đa lâu đời nằm ngay trung tâm thành phố với thương hiệu lâu năm và uy tín giữ trọn hương vị đặc trưng của món nem chua Xứ Thanh, chẳng thế mà nhiều thực khách đã cất công đến đây để thưởng thức và mua về làm quà cho người thân, bạn bè.
- Địa điểm gợi ý: Nem Cây đa
- Địa chỉ: 326 Trường Thi, P. Điện Biên, Thành phố Thanh Hóa, Thanh Hoá
- Bánh gai Tứ Trụ
Bánh gai là loại bánh thương hiệu của xứ Thanh. Vùng đất làng mía Thanh Hóa đã tạo ra thức quà quê mang hương vị đặc trưng hấp dẫn du khách: bánh gai Tứ Trụ.
Bánh gai Tứ Trụ muốn ngon phải lựa chọn nguyên liệu hoàn hảo. Hạt nếp cái hoa vàng được xay mịn ra để làm bột bánh. Đậu xanh bỏ vỏ rồi đồ kỹ cho tơi ra mới đem đi xay nhuyễn. Trộn thêm dừa nạo và chút mật mía cho nhân hòa quyện vào nhau rồi mới đem đi gói.
- Địa điểm gợi ý: làng Mía
- Địa chỉ: làng Mía, xã Thọ Diên, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa
- Bánh răng bừa
Bánh răng bừa có quanh năm và ăn mùa nào cũng được, nhưng được người dân địa phương yêu thích nhất vào những ngày đông. Bánh vừa hấp xong nóng hôi hổi, vị bùi và thơm của bánh thực dễ dàng làm người ta mê vào lúc thời tiết trở lạnh.
Bánh được gọi là “răng bừa” bởi hình dạng thuôn dài và gần giống với chiếc răng bừa dùng trong nông nghiệp. Bánh được làm từ gạo nếp tẻ pha theo tỉ lệ 3/7, sau khi ngâm 8 tiếng thì đem xay với nước vôi trong.
Bột xay xong được cho lên bếp đảo cho quánh lại. Đây là khâu khó nhất yêu cầu người đầu bếp liên tay đánh nhuyễn thì bột mới không bị vón cục. Bột nhão quá thì bánh bị ướt, bột khô quá thì bánh lại cứng không ngon. Nhân bánh gồm thịt heo, mộc nhĩ hành khô băm nhỏ rồi trộn gia vị và xào sơ qua rồi mới cho vào gói bánh. Nhìn ngắm những người thợ lành nghề với bàn tay nhỏ xinh gói bánh thoăn thoắt chắc chắn bạn sẽ không khỏi thán phục.
Bánh răng bừa ăn càng nóng lại càng ngon. Cảm giác cầm trên tay chiếc bánh nóng hổi lật qua lật lại để bóc được lớp vỏ ngoài thật sự rất thú vị. Người địa phương chấm bánh răng bừa với nước mắm mặn có thêm chút tiêu. Miếng bánh dẻo dẻo, nhân bên trong thơm lừng rất dễ ăn. Mấy ngày đông mà có được chiếc bánh răng bừa nóng hổi trên tay thì còn gì bằng.
- Địa điểm gợi ý: Nhà hàng Dạ Lan
- Địa chỉ: Số 1 Phan Chu Trinh, P. Điện Biên - Thành phố Thanh Hoá
- Nem thính
Nem thính là một dạng của nem chua Thanh Hóa nhưng biến đổi một chút trong cách chế biến. Món ăn có cho thêm thính vào khiến hương vị của món ăn trở nên khác biệt. Món ăn chơi, ăn chiều này rất thích hợp cho những dịp tụ tập cùng bạn bè.
Đặc sản Thanh Hóa nem thính vẫn được làm từ thịt lợn vai hoặc mông khi còn ấm nóng như nem chua, nhưng được thái chỉ. Thịt không được rửa trước khi thái vì nước lã sẽ làm mất đi vị nem. Đem thịt thái xong ướp với các loại ra vị rồi đổ thính vào đảo đều cho đến khi khô. Bì lợn sau khi làm sạch cũng thái mỏng rồi bỏ vào trộn chung luôn. Cuối cùng đem hỗn hợp trên đi gói bằng lá chuối. Lúc gói thì thêm chút lá ổi và lá đinh lăng đã rửa sạch, lau khô. Để 2, 3 ngày là nem thính ăn được.
Nếu nem chua chỉ cần đem ra ăn luôn thì nem thính lại cần phải nướng. Đó chính là lý do vì sao nó còn có một tên gọi khác nữa là nem nướng. Lúc ăn thì đem ra vùi vào than hồng đến khi vỏ cháy xém lộ ra phần nhận là ăn được rồi. Nếu không có điều kiện để dùng bếp than hồng thì có thể dùng lò vi sóng hay bếp nướng điện. Tuy nhiên, chắc chắn vị món ăn sẽ không được như nướng bằng than hồng.
Nem nướng để được khá lâu, mua đem về bỏ vào tủ lạnh, khi nào muốn ăn lại đem ra nướng. Hương vị xứ Thanh nồng nàn có thể được bạn mang đi bất cứ đâu, cho bất cứ ai, vô cùng tiện lợi.
- Gợi ý địa điểm mua: Cơ sở nem nướng 62 Tô Vĩnh Diện, TP Thanh Hóa
- Địa chỉ: 62 Tô Vĩnh Diện, phường Đông Thọ, TP Thanh Hóa
- Mắm cáy
Nếu bạn đang tìm đặc sản biển Thanh Hóa để làm quà nhưng ngại vận chuyển đồ tươi sống thì các loại mắm chính là sự lựa chọn hợp lý nhất. Thanh Hóa là tỉnh biển nên không có gì lạ khi ở đây nổi tiếng với rất nhiều loại mắm, trong đó có mắm cáy.
Mắm cáy được làm từ con vật cùng tên, tương tự con cua nhưng nhỏ hơn. Cáy bắt về sẽ được sơ chế sạch sẽ, tách yếm ra rồi đem đi giã nhuyễn. Cho muối vào trộn đều rồi bỏ vào chum đậy kín lại. Để bình trong mát độ khoảng 10 ngày rồi đem ra phơi nắng khoảng 1 tuần. Cuối cùng là cho thính gạo hòa với men gạo vào chum để khử bớt mùi cáy và tạo ra vị ngon đặc trưng. Dùng mắm cáy để chấm rau luộc hay thịt luộc thì đúng là ngon không thể tả.
- Gợi ý địa điểm mua: mắm tép Ba Làng
- Địa chỉ: Ba Làng, Tĩnh Gia, Thanh Hóa
- Chè Lam Phủ Quảng
Chè lam Phủ Quảng là đặc sản Thanh Hóa được gọi với cái tên thân thương “quà quê”. Loại chè lam này được lấy theo tên của huyện Vĩnh Lộc ngày xưa. Đây là món ăn vặt dân dã và cũng là đặc sản làm quà tiện mua lại tiện mang về.
Nguyên liệu chính để làm chè lam là gạo nếp. Gạo để làm chè làm không xay luôn từ gạo tự nhiên mà phải được vo thật trắng sau đó rang cho bóng vàng lên rồi để nguội thì mới xay ra được mẻ bột như ý. Đậu phộng rang vàng rồi tách vỏ và giã nhỏ vừa phải.
Ngoài ra người làm còn phải chuẩn bị thêm một số nguyên liệu như mạch nha, gừng tươi, đường, … để sẵn sàng chế biến. Cho mật mía vào chảo đun trước, đến khi sôi thì cho toàn bộ các nguyên liệu còn lại vào quấy cho đều tay. Cho hỗn hợp này vào khuôn dàn đều ra rồi cắt thành từng khoanh vừa ăn, vậy là món ăn đã hoàn thành.
Chè làm ngon nhất khi thưởng thức cùng với trà. Vị chan chát của trà hòa quyện với vị ngọt của mật mía, bùi của đậu phộng rang, dẻo thơm của gạo nếp,… một cách rất tự nhiên. Nếu có dịp tới được chợ phiên xã Vĩnh Thành hoặc thị trấn Vĩnh Lộc thì bạn nhớ mua chè lam Phủ Quảng đúng chuẩn vị nhất. Còn nếu không thì có thể mua được ở chợ Vườn Hoa trong trung tâm thành phố Thanh Hóa.
- Gợi ý địa điểm mua: chợ Vườn Hoa Thanh Hóa
- Địa chỉ: Lê Thị Hoa, P. Lam Sơn, Thành phố Thanh Hóa
- Miến dong Cẩm Thủy
Miến dong là đặc sản Thanh Hóa xuất phát từ làng nghề truyền thống Cẩm Thủy, chính vì thế còn được gọi là miến dong Cẩm Thủy.
Miến dong Cẩm Thủy “gây thương nhớ” cho biết bao người bởi 3 điểm khác biệt với những loại miến khác. Đó là miến được sản xuất hoàn toàn từ nguyên liệu tự nhiên, có quy trình sản xuất tỉ mỉ và vị thơm đặc trưng của dong riềng. Miến dong Cẩm Thủy được chế biến từ 100% bột củ dong riềng. Dĩ nhiên, dong riềng trước khi sử dụng đều được xác định nguồn gốc rõ ràng. Loại miến này hoàn toàn không có chất phụ gia, không có chất bảo quản, chất tẩy trắng nên đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng khi sử dụng.
Người dân Cẩm Thủy làm miến rất tỉ mỉ từ khâu chọn nguyên liệu đến làm bột và các công đoạn khác. Bột dong phải được lọc nhiều lần cho đến khi đạt độ trắng cần thiết nhưng không mất đi dưỡng chất và hương vị. Khi tráng miến phải mỏng, đều tay. Lượng bột và thời gian hấp phải được căn tốt để sợi trông đẹp mắt, thanh mảnh.
Miến dong Thanh Hóa khác biệt bởi mùi vị rong riềng. Hương thơm dịu nhẹ này làm tăng thêm sự hấp dẫn cho món ăn. Sợi miến có màu sắc xanh lục màu đục tuy không quá trắng sáng nhưng cũng khá bắt mắt và tạo cảm giác thật chất cho sản phẩm.
Miến dong Cẩm Thủy hiện được phân phối rộng rãi tại các chợ lớn ở Thanh Hóa như chợ đầu mối, chợ Vườn Hoa. Tuy nhiên nếu bạn có dịp tới Cẩm Thủy để mua thì sẽ chuẩn – chỉnh và tin tưởng hơn hẳn.
- Gợi ý địa điểm mua: chợ Cẩm Thủy
- Địa chỉ: Quốc lộ 217, thị trấn Cẩm Thủy, TP. Thanh Hóa
(Nguồn: Sưu tầm)